MỤ GHẺ - tiểu thuyết - chương 13

Lời tựaMọi gia đình sung sướng đều giống nhau, nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại khổ sở theo cách riêng. (Lev Tolstoy)

Chương 13, Hà Nội, tháng 7 năm 1996
“Không! Tôi sẽ không rời khỏi căn  nhà này đâu.” Mẹ Thành nói qua điện thoại. “Nếu cô muốn dọn tới đây sống, thì phải có gan và bước qua xác của tôi.”
Thành nép  người sau cánh cửa phòng riêng.
Mẹ Thành im lặng một hồi lâu, những ngón tay bà siết lại và nắm chặt lấy ống nghe. Rồi bà nói, “Cô dám đến cơ quan của ông ấy để gây rối ư? Cô cứ thử xem! Nếu công việc của ông ấy có xảy ra điều tiếng gì, thì căn hộ mà cô đang sống, tôi cũng buộc phải ngừng chi trả, và hai mẹ con cô nên từ tìm kế sinh nhai.

Bà lại im lặng một hồi lâu. Và cơn giận dữ cuối cùng cũng bùng phát. Cánh tay bà đưa lên, rút cây trâm trên đầu và đặt mạnh xuống bàn trang điểm. Bà gằn giọng, “Cô dám uy hiếp cả tôi ư?” Và bà cúp ông nghe xuống, rất mạnh! “Ả đàn bà trơ trẽn này!”
Thành vẫn thường bắt gặp những cuộc điện thoại như thế khi cậu định sang phòng mẹ chơi hoặc có việc cần bà giúp đỡ. Nhưng ở cái tuổi lên mười một, cậu chẳng hiểu đầu đuôi câu chyện và luôn tin tưởng vào lời trấn an của bà, “Đó chỉ là một người bạn xấu tính của mẹ mà thôi. Cô ấy điện thoại tới để trêu đùa ý mà.”
Nhưng không, vào buổi chiều đã tắt nắng ngay trong  ngày hôm đó, sự việc xảy ra trước tầng trệt nhà Thành đã trở thành tâm điểm cho hàng chục người sống xung quanh trên con phố Hàng Bông.
Một người phụ nữ - có lẽ là trẻ tuổi hơn mẹ Thành – đang ra sức lôi kéo một cậu trai đi theo mình. Bà ta khóc thét với khuôn mặt lấm lem nước mắt, trong khi hai tay đập ầm ầm vào cửa xếp đã kéo chặt.
“Ả đàn bà cướp chồng!” Bà ta nói, “Cướp chồng mà lại còn trơ trẽn cướp cả nhà của tôi nữa.”
Mẹ Thành đứng từ trên ban công nhìn xuống. Người dân quanh phố cũng ra sức bàn tán và chỉ tay về phía nhà Thành.
“Con trai tôi đây!” Bà ta kéo cậu con trai theo lời chỉ trích của mình, “Nó còn nhiều tuổi hơn cả con trai của ả đàn bà này. Ả ta chỉ là thứ lẽ, vậy mà dám to gan phá hạnh phúc của chúng tôi.”
Thành đu người lên ban công và nhìn xuống dưới. Cùng lúc, cậu con trai – tên Tuấn – cũng ngẩng đầu lên nhìn với vẻ sợ sệt.
Tất cả những gì Thành có thể giúp đỡ mẹ trong hoàn cảnh này là trò nghịch ngợm của  những cậu trai mới lớn. Từ trên cao, trứng và cà chua được Thành ném tới tấp xuống dưới, “Cút về đi! Hai người hãy cút đi cho. Nếu không, tôi sẽ gọi công an tới ngay bây giờ.”
Buổi tối hôm đó lặng thing, mẹ Thành không khóc, bố Thành cũng chỉ ngồi lặng yên ngoài ban công và châm hết cả bao thuốc lá đầy.
Ban đêm tháng bẩy mưa rào, trời xối cơn mưa như trút nước.
Buổi sáng hôm sau, người dân trong khu phố kéo nhau đi tập thể dục đông đúc và sớm hơn thường lệ.
Qua lớp kình mờ nhìn vào gian phòng trên tầng hai của căn nhà, người dân hô hoán nhau: có người treo cổ bằng sợi vải trắng.
Là mẹ Thành -  người đàn bà cam chịu nỗi đau suốt hơn  mười năm kể từ lúc bắt đầu cuộc hôn nhân của mình.
{ { {
Hà Nội, tháng 8 năm 1986
Trước ngày cưới hơn một tháng, bố Thành đi cùng quan khách tới tụ điểm của thành phố chỉ để tiêu khiển và kí kết những hợp đồng. Tại đây, ông có qua lại với một  người phụ nữ - nhưng đó chỉ là lần duy nhất và cho rằng họ sẽ chẳng bao giờ có cơ hội gặp lại nhau.
Vào ngày Thành đầy một tháng tuổi, bi kịch bắt đầu ập xuống căn nhà ba tầng nằm trên con phố Hàng Bông ấy.
Người phụ nữ trong quán hát nọ xuất hiện trước cửa  nhà, trên tay cô ta là đứa trẻ hơn hai tháng tuổi. Cô ta đã không khóc lóc và van xin. Cô ta chỉ đưa ra đề nghị là được chung sống cùng một mái nhà.
Mẹ Thành cắn răng chịu đựng, bà quyết định chu cấp cho cuộc sống của hai mẹ con Tuấn trong một căn hộ khác cách đó rất xa.
Bố Thành lúc nào cũng mang trong mình ám ảnh của tội lỗi. Ông thường xuyên nhận những chuyến đi công tác xa để tránh gặp mặt hoặc rơi vào hoàn cảnh khó xử. Có những năm, ông đi biền biệt ở nước ngoài đến gần cuối năm đón Tết Nguyên đán mới trở lại quê hương.
Chỉ cần nghe được tin bố Thành về, mẹ Tuấn lại mang con trai qua nhà kể lể công sức và những tổn thương, đau khổ suốt những ngày cơ cực vừa mang bầu vừa đi tìm ông là ai, ông đang sống ở đâu?
Ngay cả Tuấn – từ một cậu bé nhút nhát, ngoan hiền, sau khi nghe những lời chỉ trích thậm tệ từ mẹ mình, cậu trở lên hư hỗn, có suy nghĩ lệch lạc và cho rằng Thành là người đã cướp đi bố, mẹ Thành là  người đã cướp vị trí đứng trong căn  nhà đó.
{ { {
Bốn chín ngày mẹ Thành mất, cũng là ngày mẹ con Tuấn dọn dẹp đồ đạc chuyển đến sống ở căn nhà trên phố Hàng Bông.
Từ một đứa trẻ hiếu động, Thành trở nên trầm tính hơn. Ngoài  những thời gian trên lớp, cậu ngồi suốt nhiều giờ đồng hồ trong phòng mẹ để tránh mặt mẹ kế, và chối đây đẩy việc gây gổ đánh nhau với người anh – em cùng bố khác mẹ.
Sau khi cúng một trăm ngày cho người đàn bà bạc mệnh, Thành thu gom quần áo và đồ dùng cá nhân để lên sống cùng bố tại cơ quan của ông. Trong khoảng thời gian ấy, ông cũng quyết định rao bán căn nhà và chuyển mẹ con Tuấn về thị trấn Cẩm Phả - Quảng Ninh.
Rồi ông và Thành cũng chuyển về nơi đó. Ông không muốn những lời dị nghị hay ác ý từ người dân quanh khu phố hoặc lời đàm tếu của đám trẻ sẽ ảnh hưởng đến nhận thức và sự trưởng thành của con trai ông.
Ông muốn cho Thành một môi trường mới để cậu bắt đầu lại. Ông nói, “Bố rất yêu thương và kì vọng vào tương lai của con.”
Và Thành đã chịu đựng, rất nhiều.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét