“Tôi cần mẫn viết, vì được sáng tạo một phiên bản khác của bản thân...”

 Một cái tên là lạ - Lâm Phương Lam, thuộc thế hệ 9X, người Hải Phòng sống và làm việc ở TPHCM, Hội viên Hội Nhà văn TPHCM. Lam đã xuất bản nhiều tiểu thuyết và truyện dài sau hơn 10 năm sáng tác như “Đừng tức giận số phận”, “ Động lòng sẽ đau lòng”, “Mụ ghẻ”, “Say đắm”, “Vấp ngã tuổi 20”... Chị còn tham gia ban giám khảo ở một số cuộc thi tiểu thuyết. Một cuộc trò chuyện với chị về văn và đời.


“Đừng tức giận số phận” là tiểu thuyết thứ 9 của Lâm Phương Lam, nó có điểm gì khác về chủ đề hay về cách viết (kết cấu, cách kể, văn phong...) so với 8 cuốn sách trước của chị? Điều gì khiến chị tin vào cuốn sách mới sẽ được độc giả đón nhận?

- Nếu như các cuốn trước, Lam viết về đề tài du học sinh, câu chuyện điều trị căn bệnh tâm lý... sử dụng bối cảnh và hoàn cảnh nhân vật ở nước ngoài (Pháp, Nhật..) thì “Đừng tức giận số phận” (NXB Thanh Niên và Công ty phát hành Bách Việt Books) lên án bạo lực gia đình và áp lực của người phụ nữ để cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp. Tiểu thuyết viết lấy bối cảnh tại Việt Nam, mang đậm không gian và văn hóa miền Bắc. Biên tập viên của nhà xuất bản đánh giá, văn phong “nóng - lạnh”, lúc tinh tế dịu dàng, nhưng cũng rất sắc bén và cá tính. Tôi nghĩ, đó là điểm mới và thú vị của tác phẩm này.

“Ai dắt em đi qua nỗi đau”, “Bà mẹ bỉm sữa”, “Gửi thanh xuân ở lại”, “Động lòng sẽ đau lòng”... những cái tên nghe rất gợi và cũng rất “ngôn tình”. Nhiều người bảo chị là cây bút tiểu thuyết ngôn tình. Chị sẽ thừa nhận hay phản bác điều đó?

- Hơn 10 năm sáng tác truyện dài - tiểu thuyết, tôi theo đuổi đề tài viết về những biến cố tình cảm của người trẻ. Vì vậy, mọi người gọi tôi là “nhà văn ngôn tình”. Tôi rất thích điều này. Đó là sự yêu mến của độc giả dành cho một cây bút viết. Tôi đã dồn chủ lực trong một mảng tuổi trẻ và tình yêu cả thập niên dài. Tôi cũng rất vui, vì nhiều người nhắc tới “nhà văn ngôn tình” là họ đoán ra được tên của tôi.




Thường nhà văn nào cũng vẽ phần nào gương mặt của chính họ trong tác phẩm. Những nhân vật của chị nếu cộng lại, có tạo nên một Lâm Phương Lam ngoài đời, chân thực 99%, hay chỉ là 10%?

- Mọi người thường hỏi, sao nữ chính có phần giống tôi quá. Đối với tôi, hoàn thành một tiểu thuyết là nỗi ám ảnh trong suốt nhiều năm, tôi lưu lại đó những tâm tư của mình với cuộc đời, điều mà một người lặng lẽ ít nói như tôi không giỏi thể hiện ngoài đời thực. Tôi cần mẫn viết, vì được sáng tạo một phiên bản khác của bản thân trong thế giới của ngôn từ. Vô cùng thú vị. Nhưng, Lâm Phương Lam ngoài đời khác hoàn toàn trong sách. (Cười!)

Chị viết bằng trải nghiệm hay trí tưởng tượng nhiều hơn, và có sợ một lúc nào đó hết vốn? Giả sử điều đó xảy ra, chị sẽ “huy động” vốn bằng cách nào?

- Tôi viết 50% trải nghiệm và 50% tưởng tượng.
Tôi đọc sách và viết từng chút mỗi ngày. Tôi rất thích đi du lịch, cà phê bệt vỉa hè, nhìn ngắm cuộc sống của người giàu và các mảnh đời khó khăn cơ nhỡ. Năm tháng đã qua, tôi rất vui vì được sống, chia sẻ và làm việc nghiêm túc, không phải tồn tại cho qua ngày.

Chị từng trả lời phỏng vấn trên báo rằng khởi đầu viết “bản năng và hoang dã”. Nhưng rồi chị đọc nhiều thể loại khác nhau của nhiều tác giả để mở mang kiến thức, và quan sát cuộc sống đa chiều hơn để chuyển tải những câu chuyện không trùng lặp với các tác giả khác. Nhưng viết văn đòi hỏi đường trường, nhất là viết thể loại “đại bác” của văn học như tiểu thuyết, làm sao chị tin mình sẽ luôn mới mẻ, chưa kể nguy cơ nếu không lặp người khác thì sẽ lặp lại chính mình?

- Ngách viết tiểu thuyết, truyện dài là một chặng đường dài hơi và khó đi. Người viết theo đuổi con đường này giống như leo núi vậy, càng lên cao càng khó khăn. Tôi phải tự tạo sức bền cho bản thân. Dĩ nhiên, cũng có lúc, tôi mỏi mệt, nhưng chưa bao giờ lựa chọn bỏ cuộc.

Thời gian nghỉ ngơi chính là nghỉ viết, tôi chỉ tập trung đọc sách và báo ở các chuyên mục “Sống” hay “Thế giới đó đây” mở mang kiến thức.

Tôi luôn ở trạng thái sẵn sàng viết, nghĩa là, ngồi ở đâu cũng viết được, bất kể xung quanh ồn ào thế nào. Đoạn viết đó có thể không sử dụng được, trùng lặp người khác, nhưng viết ra được khiến tinh thần tôi thỏa mãn. Đó mới là điều quan trọng nhất ở bản thân. Tôi nhìn người khác, nhưng tôi chỉ so sánh tôi hôm nay tốt hơn tôi hôm qua.


Được biết, chị dùng phần lớn nhuận bút sách sử dụng cho việc thiện nguyện, hoặc tích cực tham gia những chương trình vì cộng đồng, ủng hộ những mảnh đời cơ nhỡ, khó khăn... Chị có thể thêm về câu chuyện này...?

- Từ nhỏ, tôi không có một gia đình đủ đầy, không có cả ba cả mẹ cùng chăm sóc. Nhưng vì được tham gia các công tác Đoàn Đội từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi học cách san sẻ với người khác. Tôi tham gia nhiều chuyến gom quần áo ủng hộ miền cao; nhuận bút để dành mua quà cho các em nhỏ trong viện cô nhi vào dịp lễ, hay chuẩn bị các món đồ liên quan đến y tế trong đợt miền Trung lũ lụt. Gần đây, tôi tham gia hiến máu nhân đạo, cắt tóc hiến tặng bệnh nhân điều trị ung thư...

Tôi kể lể như này không phải để “khoe khoang” bản thân. Tôi muốn chia sẻ và lan tỏa điều tích cực để nhiều người cùng tham gia công tác thiện nguyện. Tôi hiểu, sống và được cho đi, thực sự rất nhẹ nhõm trong lòng và hạnh phúc lắm.

Chị là người trẻ viết về người trẻ và được giới trẻ đón nhận. Chị có tính mở rộng thêm phân khúc độc giả trung niên và cao tuổi?

- Tôi sắp đón sinh nhật tuổi 32. Bước vào ngưỡng tuổi này, trải nghiệm cuộc sống và va vấp nhiều hơn, biết đâu tôi sẽ sớm chuyển ngách đề tài. (Cười!)

Chị còn là một Facebooker với số lượng follower rất đông. Điều đó có giúp chị cẩn trọng hơn trong những phát ngôn và bài viết của mình trên mạng? Chị nghĩ gì về ý thức trách nhiệm công dân của nhà văn?

- Mỗi một người cầm bút, họ sẽ luôn có định hướng xây dựng hình ảnh cá nhân, họ đều là một KOL ở trên mạng xã hội. Ngày nay, Facebook giống như một căn nhà, một bộ mặt của mỗi người vậy.

Là một nhà văn, tôi thừa nhận bản thân rất “hiền” trên mạng xã hội, không tranh cãi để tránh vướng vào các lùm xùm ồn ào. Tôi theo Phật giáo, hướng đến sự tích cực. Tôi đặc biệt chuyên tâm vào vấn đề sức khỏe tinh thần của giới trẻ - những người thuộc thế hệ 8x, 9x như tôi, họ đang vật lộn trong xã hội ở thời kỳ đất nước chuyển mình hòa nhập hiện đại hóa.

Chị nghĩ gì về sự bùng nổ của công nghệ AI ngày nay. Nó có phải là mối đe dọa cho nhà văn trung bình và công cụ cho nhà văn giỏi?

- Tôi nghĩ, AI chỉ là một công cụ phục vụ cho việc sáng tạo. Nhưng AI chắc chắn sẽ thay thế nếu người cầm bút thiếu trách nhiệm với con chữ. AI hỗ trợ khối lượng kiến thức khổng lồ, nhưng một nhà văn giỏi, họ sẽ thúc đẩy việc tư duy sáng tạo và thổi hồn cảm xúc để bộc bạch nỗi lòng của bản thân, đó chính là cách hành văn mang đậm dấu ấn cá nhân mà AI không thể thay thế.

Cám ơn Lam và chúc chị luôn làm mới mình với những sáng tác mới mẻ!


LAO ĐỘNG CUỐI TUẦN - VIỆT VĂN (THỰC HIỆN)  -  Chủ nhật, 23/07/2023 

Nguồn: https://laodong.vn

Đăng nhận xét

0 Nhận xét