ĐỘNG LÒNG SẼ ĐAU LÒNG - Tiểu thuyết - Chương 2

 


Chương 2.

“Tòa chung cư Kushiro cổ kính”, nếu không muốn diễn tả bằng những từ ngữ như bẩn thỉu, nồng nặc mùi hôi thối của rác, mồ hôi, hay chất uế thải.

Tòa nhà đã và đang tồn tại hơn sáu mươi năm giữa vị trí trung tâm của thị trấn Konagai. Những lô chung cư chỉ có độ cao từ năm đến bảy tầng, thậm chí có lô thấp lè tè giống như ba khối hộp hình chữ nhật chồng lên nhau. Những vết nứt toác chằng chéo đan xen, chỗ được chắp vá, chỗ như cố tình bị bỏ quên. Những mảng bám bụi đen kìn kịt. Hay màu rêu xanh thẫm cố bấu víu sinh sôi phát triển trong nhiệt độ xuống thấp của mùa đông giá buốt.

Sức sống của nền công nghiệp vẫn phát triển vượt bậc, nhưng như thể nó cố tình chừa khu chung cư Kushiro cổ kính ra.

Nơi đây tập trung chủ yếu những người già ở độ tuổi ngoài sáu mươi, hay những người ở độ tuổi trung niên muốn biệt lập với xã hội đô thị ồn ào.

Kim Oanh đi thẳng vào bên trong khu vực ban quản lý. Một người đàn ông lớn tuổi đang lụi cụi cắm nước nóng pha mì tôm đóng hộp.

“Cháu chào ông.” Oanh nói lớn, kèm theo nụ cười vui vẻ, “Cháu là Keiko Tran, thực tập sinh của Hội phụ nữ và trẻ em thị trấn Konagai.”

Người đàn ông ngừng tay bóc nắp hộp giấy. Ông đặt ấm nước ngay ngắn vào góc bàn. Đôi mắt ông nhăn nhó trước khi đẩy gọng kính màu xám bạc nằm hờ nơi sống mũi lên. “À? Ừ!”

Oanh cười với ông. “Cháu muốn lên lô C, lầu ba. Cháu có cuộc hẹn với bà Kuri Kojima trong sáng nay.” Oanh đưa tờ giấy giới thiệu có đóng dấu mộc vuông đỏ của hiệp hội kèm theo thẻ bảng tên cho người đàn ông thuộc ban quản lý khu chung cư Kushiro.

Có vẻ ông đã lớn tuổi, hay chính xác nhất là cũng sắp chạm ngưỡng bảy mươi. Ông đưa tờ giấy ra xa, rồi lại kéo gần hơn với tầm nhìn. Cuối cùng, ông đẩy gọng kính xuống nằm chừng ngang sống mũi, “À, ông thấy rồi. Keiko Tran, nhỉ? Tên của cháu nghe hay đấy. Còn ông là Toru Itou. Cháu cứ gọi ông Toru là được, nhé! Chắc là sẽ gặp nhau thường xuyên phải không?”

Oanh nở nụ cười rạng rỡ, một khởi đầu đầy thân thiện, “Dạ, cháu cảm ơn ông.”

Ông Toru cười đến nheo cả mắt. “Ông già cả rồi nên cháu phải tự đi một mình thôi. Cháu đi hết con đường này rồi rẽ trái là đến. Chung cư ở đây cũ kĩ lại xuống cấp nghiêm trọng, cũng chẳng có thang máy nữa. Cháu chịu khó đi bộ chút nhé.”

“Dạ.” Oanh vẫy tay chào ông. “Cháu cảm ơn ông.”

Kim Oanh rời đi ngay sau đó.

Con đường đi thẳng về phía trước theo chỉ dẫn của ông Toru không xa lắm, nhưng ngập đầy rác thải với những bịch túi ni lông đã qua sử dụng, lá cây rụng dính bết xuống sàn nền bê tông tạo thành chất cặn đen dính nhầy nhầy.

Ông Toru chậm rãi thưởng thức tô mỳ tôm gần đến ngày cận hết hạn sử dụng. Vài ngày trở lại đây, tâm tính ông có chút trở nên thay đổi theo hướng tích cực. Ông được gặp những cô bé, cậu bé sinh viên từ Tokyo, Osaka, hay Yokohama trở về vùng thị trấn Konagai nhỏ bé làm công tác tình nguyện. Dù những câu chuyện chỉ ngắn gọn không đầy một đến hai phút đồng hồ, cũng đủ làm ông vui vẻ thêm nhiều giờ sau đó. Bởi sau gần ba mươi năm tham gia công tác bảo vệ theo ca ngày ca đêm của Ban quản lý chung cư, thì gần đây ông mới được gặp lại một vài người đã từng rất quen di chuyển xuống khu vực đi bộ của tòa chung cư.

Ông cười tủm tỉm, liệu ít ngày tới ông cũng sẽ được gặp lại bà Kuri Kujima, đúng không?

Ông gần như chắc chắn rằng, chiếc dịch giúp đỡ những hikikomori – giới trẻ quay lưng lại với xã hội, hay, kudokushi – cái chết đơn độc của người già…, đang mang lại hơi thở và sẽ thay đổi diện mạo mới cho thị trấn Konagai.

Rác thải nằm rải rác trên từng bậc cầu thang lên xuống. Ở các góc tường hay góc bậc thang có cả đầy rẫy các bịch rác đủ màu nằm chồng chéo ngổn ngang giữa lối đi. Một bầu không khí ngập tràn mùi ô nhiễm.

Oanh đi thật nhanh lên lầu ba. Cô thở hổn hển sau những bước đi dài như người chạy. Không khí ngoài hành lang trên lầu ba có vẻ khá khẩm hơn dù mùi hăng hắc và ẩm mốc vẫn luẩn quẩn trong bầu không gian đã mất đi vẻ tồn tại của sự sống, nhưng với những người khách lạ, chắc chắn họ vẫn muốn rời khỏi đây ngay lập tức.

Là một sinh viên tình nguyện và muốn có được một môi trường để thực tập đúng với chuyên ngành tâm lý của Đại học Kansai, Kim Oanh và những người bạn đã được biết về tình hình thực tế cũng như những bảng báo cáo số lượng thống kê về vấn đề nhức nhối đang xảy ra ở giới trẻ và người già tại Nhật Bản, nhưng khi chính đôi chân của cô đang run lẩy bẩy tại lầu ba - lô C thuộc tòa chung cư Kushiro, thì mọi giấc mơ về một hình ảnh đầy sức sống và vui tươi của đất nước hoa anh đào bắt đầu bay biến.

Oanh không biết bản thân đã đứng ngoài hành lang trong bao nhiêu lâu. Cánh tay cô ôm siết lấy hàng rào chắn ngang đã lỗ rỗ sứt mẻ từng lớp xi măng cứng. Những ngón chân nhỏ nhắn lạnh căm cắm mạnh như muốn xuyên qua đế giày. Và trước tầm mắt cô, khoảng trời giữa thị trấn Konagai vẫn cao xanh trong vắt vào giờ trưa.

Điện thoại Oanh đổ tin nhắn. Cô rờ tay vào túi áo khoác. Và cô phát hiện mình đã khóc.

“Chào cháu, Keiko Tran. Cô là Haruko Takahashi. Hôm nay, con trai cô có vẻ vẫn chưa sẵn sàng để có một người bạn mới tuyệt vời như cháu. Cô rất buồn. Cháu đến nhà bà Kuri Kojima rồi tranh thủ về nghỉ sớm. Đừng ở ngoài đường khi trời chuyển về chiều. Hẹn gặp lại cháu vào sáng mai trên văn phòng của Hiệp hội. Cảm ơn cháu, Keiko Tran.”

Oanh khóc thành tiếng ngay sau khi cất điện thoại vào túi áo.

Nếu như, Oanh đang ở ký túc xá của Đại học Kansai, cô sẽ chạy bộ lên xuống trong lối thoát hiểm để tự kiềm chế cảm xúc của chính mình trước khi bật khóc nức nở. Nhưng tại đây, chỉ cần nhìn xuống lối cầu thang bộ thôi, Oanh cũng đã không kìm được cảm xúc mà khóc thút thít như một đứa trẻ sợ đòn roi.

Cô không mạnh mẽ.

Cô không bản lĩnh.

Sách vở khác với thực tại.

Và cô đang thất vọng với chính bản thân mình?

“Này? Này?” Ai đó đang hét lên. “Không được. Không được đứng ở. Nguy hiểm lắm. Đi vào trong. Nhanh lên!”

Oanh dụi mắt. Cô nhận ra bác bảo vệ trong ban quản lý chung cư Kushiro mà cô đã nói chuyện.

“Làm ơn!” Ông Toru Itou vẫn cố gắng hét lên bằng tất cả sức lực của một người già cả ở ngưỡng tuổi bảy mươi. “Cháu đừng làm thế, cô bé à. Cháu còn trẻ mà. Đừng làm một lão già như ta phải tận mắt chứng kiến cảnh tượng đau lòng này. Làm ơn. Hãy vào trong, nhanh lên.”

“Là cháu mà, ông Toru Itou?” Oanh ngẩn ngơ trả lời lại.

Là ông Toru đang nói chuyện với ai thế?

Cô liếc nhìn sang bên trái, bên phải, ngẩng đầu ngó nghiêng lên trên, rồi phóng cái nhìn ra xa ở những lô khác thuộc khu vực chung cư.

Có một vài người đang di chuyển vội vàng trong hành lang. Dưới khoảng sân trống trải bên dưới, một vài cô lao công mặc áo bảo hộ chuyên dụng với đường sọc ngang màu dạ quang lụi cụi thu gom rác thải.

Tới khi, đỉnh điểm là lúc Oanh cố nhướn ra ngoài để cúi nhìn xuống khu vực hành lang của hai tầng dưới thuộc lô C, giọng hét từ ông Toru Itou như mộ cú đánh thẳng vào bên tai cô.

Oanh bần thần đứng thẳng người lên. Cô nhìn chăm chăm xuống dáng người nhỏ nhắn đang gào hét bên dưới sân, bất ngờ nhận thức rõ đối tượng mà ông Toru Itou đang ra sức cản ngăn là ai.

Oanh lùi lại vài bước, rời xa bức tường chắn lan can. Những ngón tay lạnh cóng siết chặt lấy dây đeo chéo của túi xách.

Phía dưới, ông Toru Itou lắc đầu buồn bã và cũng quay lưng bỏ đi.

“Ông Toru Itou nghĩ mình muốn tự tử ư?” Oanh lẩm bẩm với chính mình.

Dưới sự tác động mạnh mẽ từ phía ông Toru Itou, cô sốc lại tinh thần và gạt ngang hai hàng nước mắt. Dù gương mặt nhợt nhạt bần thần, nhưng cô đã ý thức lại được công việc và trách nhiệm sắp tới của một chuyên viên tâm lý tương lai  nếu muốn gia nhập vào công ty Befrienders Worldwike Osaka – một công đồng ngăn chặn tự tử.

Tờ giấy giới thiệu đã nhăn nhúm trong túi áo khoác. Oanh cố gắng vuốt lại phẳng phiu nhất có thể trong lúc đi dọc dãy hành lang lầu ba.

Căn hộ 3.2 nằm ở cuối dãy.

Trước mỗi cánh cửa lớn luôn đóng kín khi Oanh đi ngang qua, những bọc túi rác lớn nhỏ đang chảy rỉ nước ra ngoài, tạo thành những con kênh rạch bốc mùi bất đắc dĩ.

Tấm biển hiệu thông báo nhỏ bằng bàn tay Oanh, nằm méo xệch như sắp rơi khỏi bức tường hiển thị số 3.2 màu đỏ nhạt thếch bị bào mòn bởi nắng gió suốt bao năm. Cánh cửa màu xanh lỗ rỗ khép kín bưng có một chốt then cài bằng sắt gỉ.

Oanh gõ cửa.

Lộc cộc. Lộc cộc. Lộc cộc.

Chẳng có ai trả lời Oanh.

“Xin hỏi, bà Kuri Kojima có nhà không ạ?” Oanh kiên nhẫn, “Cháu muốn gặp bà. Cháu là thành viên của Hiệp hội phụ nữ và trẻ em thị trấn Konagai.”

Vẫn không có tiếng trả lời cô. Oanh run rẩy áp sát tai vào cánh cửa. Những âm thanh sột soạt nhỏ thật nhỏ vọng lại thay cho câu trả lời. Oanh thở mạnh, cười với chính mình, và tiếp tục gõ cửa.

“Cháu biết là hơi thô lỗ khi đã gõ cửa mạnh và liên tục như thế này, nhưng bà Kuri Kojima xin hãy nghe cháu nói một chút, bà có thể mở cửa để cháu được chào bà một câu không ạ?”

Và, “Rầm!”

Một âm thanh lớn nghe như tiếng đổ vỡ của đồ đạc là câu trả lời dành cho Oanh.

Vật dụng gì đó trong gia đình vừa rơi mạnh xuống đất?

Hay đó là cách mà bà Kuri Kojima muốn xua đuổi Oanh?

Oanh khom người, nhón chân lên…, với đủ tư thế khác nhau chỉ mong tìm được một kẽ hở có thể nhìn xuyên thấu vào không gian bên trong căn phòng.

Bất thình lình, Oanh gần như muốn ngã dúi cả người về phía trước khi cánh cửa màu xanh bạc phếch bất ngờ bật ra.

Kẽ hở mà Oanh mong đợi không phải chỉ là vài mi-ni-mét, mà nó tạo ra một góc hơn bốn mươi năm độ so với mép tường.

Trước mắt cô là một bà lão đã già, rất già. Tóc bà màu bạc trắng và xốp bông lên giống với bông gòn Bạch Tuyết. Nhưng khi nhìn thẳng vào gương mặt bà Kuri Kojima, Oanh không nghĩ bà đã ở tuổi tám mươi hai như được thông báo từ trước.

Bất ngờ, bà Kuri Kojima mỉm cười trước với Oanh, khiến cô tự cảm thấy xấu hổ đôi phần.

“Chào cháu. Bà đã chờ cháu thật lâu. Bà cứ nghĩ cháu sẽ đến tầm giữa buổi sáng.”

Oanh nghẹn giọng. Văn hóa người Nhật Bản không cho phép sai dù chỉ là một giây đồng hồ. “Cháu xin lỗi bà Kuri Kojima.” Cô đã đứng khóc ngoài hành lang hàng giờ đồng hồ. Cô còn nảy ra ý nghĩ sẽ rời khỏi đây luôn và sẽ quay trở lại vào hôm sau. Cô đã không hiểu tâm ý của bà Kuri Kojima mong đợi đến thế nào. “Cháu mong bà Kuri Kojima hãy tha lỗi cho cháu. Cháu đã phạm phải một sai lầm lớn rồi.”

Bà Kuri Kojima cười lớn. Gương mặt bà trắng xanh. Tâm thái bà có vẻ mỏi mệt, bần thần dù đang trong bầu không khí thoải mái, thân thiện. “Cháu đã đến, dù sớm hay trễ bà vẫn cảm thấy cần phải biết ơn. Nào, cháu vào trong đi chứ!”

Bà Kuri Kojima đẩy cánh cửa sang bên để lối vào rộng hơn. Toàn bộ không gian sống bên trong chất chứa đầy đồ đạc hỏng hóc, cũ kĩ, hoặc có thể đã không còn dùng đến từ lâu…, được xếp chồng lên nhau theo hàng dọc men bởi chân vách tường chắn.

“Nó ít khi bị đổ xuống lắm.” Bà Kuri Kojima cười trừ trong lúc khép cánh cửa. “Bà đã rất cố gắng xếp gọn gàng nhất trong phạm vi sức khỏe của mình.” Cây gậy gỗ cao chừng một mét hai di chuyển theo từng bước chân run rẩy của bà phát ra tiếng kêu lộc cộc, “Cháu đừng ngại nhé, cháu gái.”

“Cháu xin bà Kuri Kojima đừng nói như vậy ạ.”

Oanh cố gắng di chuyển vào sâu bên trong căn phòng mà hai cánh tay hoặc túi xách của cô không được đụng chạm vào bất kì món đồ nào đã được chất chồng trên cao. Bà nói chúng ít khi đổ xuống, nhưng với một vị khách lạ như Oanh, thì rất có thể là chúng sẽ đổ rầm rầm hàng loạt chỉ cần phạm phải một sai lầm cỏn con.

Cô nhìn thấy những hộp bánh giấy đã dùng, hộp đồ ăn nguội chế biến sẵn…, hay những đàn kiến đen kéo thành hàng dài cần mẫn di chuyển lương thực về tổ ấm.

“Cháu ngồi ở đây nhé!” Bà Kuri Kojima lấy cây gậy chỉ xuống tấm nệm được kê cao hơn so với mặt đất chừng hai gang bàn tay. Chỗ trống trên tấm nệm đủ hai người ngồi nếu dọn chiếc nồi cơm điện cũ sang một chỗ khác.

Bà Kuri Kojima chậm chạp nhấc nồi cơm điện lên. Oanh vội vàng đỡ lấy nó từ tay bà, “Dạ. Bà cứ để cháu dọn dẹp.”

“ Ừ. Ừ.” Bà Kuri Kojima cười hiền hậu. “Cháu cứ bỏ nó xuống dưới tấm phản gỗ là được, nhé!”

“Vâng.”

Oanh cúi người xuống. Dưới tấm phản gỗ cũng được bà Kuri Kojima chưng dụng như một nơi cất giấu đồ đạc phế liệu. Nó có mùi ẩm mốc rất hôi. Oanh không phân biệt được chúng bao gồm những gì ngoài các bao bì ni lông đủ màu. Và cô đã gần muốn nôn toàn bộ phần ăn sáng ngay khi khom người xuống.

Oanh ngồi xuống chỗ của chiếc nồi cơm điện vừa được mang đi cất giấu. Cô nuốt nước miếng liên tục để kiềm chế cơn buồn nôn. Đầu cơ đau choáng váng, cảm giác tệ hại hơn cả khi say xe tàu điện ngầm.

Bà Kuri Kojima không phát hiện ra điều đó. Bà đã ở trong căn hộ này hơn bốn mươi năm ngay sau khi rời khỏi khu công nghiệp khai thác quặng. Những thứ mùi hôi hám ngay trong nhà đã trở nên thân thuộc như chính hơi thở của bà.

“Bà vui lắm, cháu biết không?”

Bà Kuri Kojima bắt đầu câu chuyện của mình ngay khi đã ngồi xuống tấm phản gỗ. Giọng bà ấm áp nhưng rõ ràng, không khản đặc và bị níu lưỡi như những người già khác nếu đang ở cùng độ tuổi.

“Bà vô cùng vui mừng, cháu gái ạ.”

Bà Kuri Kojima lặp lại những câu biểu đạt cảm xúc của bản thân không biết bao nhiêu lần. Bà bối rối. Bà hạnh phúc. Nhịp đập bên ngực trái nhanh hơn những ngày trước đó. Ánh mắt bà linh hoạt và nhòe mờ bởi những giọt nước bơi luẩn quẩn trong vành mi.

“Cháu yêu ạ. Được nói chuyện trở lại với một người khác, ta như sống một cuộc đời thứ hai vậy.”

Oanh mở to mắt nhìn bà. Cô gần như muốn bật khóc. Nơi khóe mắt, những giọt nước nóng ấm nối đuôi nhau chảy dài. “Bà Kuri Kojima à, cháu xin lỗi, thực sự xin lỗi bà. Lẽ ra, cháu phải đến đây sớm hơn. Cháu xin lỗi.”

“Lỗi gì chứ?” Bà Kuri Kojima nện nhẹ đầu cây gây gỗ xuống sàn nhà. “Cuộc đời bà rất ngại ngần nếu phải nhận lời xin lỗi từ ai, hoặc, hạn chế phạm phải sai lầm để không cần phải nói lời xin lỗi người khác.”

“Bà Kuri Kojima thật tốt bụng.”

Oanh chủ động nắm lấy bàn tay bà. Rất nhẹ nhàng. Vô cùng thoải mái. Và cảm giác, cái lạnh lẽo của mùa đông giữa thị trấn Konagai đã được xoa dịu đi phần nào.

“Cháu sẽ tới đây mỗi ngày, giúp bà dọn dẹp và nấu nướng. Khi trời ấm hơn, cháu sẽ đưa bà cùng đi chợ. Bà Kuri Kojima hãy đồng ý với cháu nhé!”

Bà Kuri Kojima gật đầu không chút lưỡng lự.

Ở tuổi tám mươi hai, bà vẫn còn minh mẫn dù việc đi lại đã rất khó khăn trong một vài năm trở lại đây. Những hình ảnh quá khứ năm xưa sống dậy trong tâm trí bà. Bởi dù bà Bà Kuri Kojima không có bất kì một mối quan hệ xã hội nào, từ người thân cho đến bạn bè. Nhưng bà thèm muốn và mong mỏi được xuống những con đường uốn quanh trong khu thị trấn dạo bộ, ghé buổi chợ phiên hàng tuần để được ngắm những món đồ lạ mà bà không thể lãng phí dù chỉ phải bỏ vài đồng yên nhỏ là có thể sở hữu chúng. Bà còn muốn ra khu chợ cá nổi tiếng ở ngay trung tâm thị trấn, họp từ rạng sớm đầy ồn ã và náo nhiệt.

“Bà sẽ chờ cháu đến mỗi ngày. Và, mỗi ngày.”

Bà Kuri Kojima siết chặt bàn tay lạnh lẽo của Oanh bằng tất cả chút sức lực của tuổi già còn sót lại.

“Nào, cô gái? Cháu tên gì ấy nhỉ? Ta hình như lại quên mất rồi!” Bà Kuri Kojima lắc đầu, nhăn nhăn vùng trán như cố nhớ lại. Sau cùng, giọng bà hơi nghiêm nghị, “Còn cháu chỉ cần gọi là bà Kuri, hiểu không? Tên của ta rất là đẹp. Kuri có nghĩa là hạt dẻ đấy.”

Oanh nhoẻn cười và lặp lại, “Bà Kuri là hạt dẻ.”

“Nhớ nhé! Hãy gọi là bà Kuri.”

“Dạ. Cháu nhớ, thưa bà Kuri. Còn tên của cháu là Keiko. Là Keiko, bà Kuri nhé!”

“Keiko. Keiko. Keiko … Dễ thương thật đấy.”

Bà Kuri sợ bản thân sẽ quên mất tên của một-người-bạn-mới.

Bà Kuri sợ người-bạn-mới sẽ bỏ mình mà đi ngay cả trong giấc mơ.

“Keiko. Keiko. Keiko…”

“Keiko…”

 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét