Vấp ngã tuổi hai mươi - Ngoại truyện 1


Ngoại truyện 1: Tình yêu và sự ngờ vực
Trích “Nhật kí Lê Bảo Ngọc – Tháng 2/2010”
Tôi là Lê Bảo Ngọc, bạn học thời cấp hai cùng chị em họ Đàm – Di Đan và Diệu Linh. Cái Tết năm 2010 vừa khép lại, tôi muốn cầm bút, nắn nót ngồi ghi lại đôi ba dòng khi thằng nhóc con đang ngủ, và chút nữa thôi, tôi lại cùng vị sư già dọn dẹp chùa chiền, hay đi lấy nước, vo gạo nấu cơm cho đám trẻ bị bố mẹ chúng bỏ rơi nơi cổng chùa.

Năm nay, tôi hai mươi tuổi, con trai tôi tôi cũng gần bốn tuổi, còn người chồng thì hơn tôi gần nửa con giáp. Vậy mà, tôi luôn nghĩ mình đã sang tuổi ba mươi, cần phải sinh thêm một đứa nữa, mặc kệ cái căn nhà lá còn rách nát và tồi tàn hơn.
Giữa buổi trưa giáp Tết 2010, nắng nhẹ, trời bắt đầu ấm lên, tôi tranh thủ giặt áo quần cho chồng con vì đã để quá mấy ngày ở ngay cạnh hố giếng. Đột nhiên, có ai đó gọi tên tôi.
“Ngọc? Ngọc ơi? Tụi tao về rồi này!”
Tôi giật thót vì xưa nay ở cái làng này, đâu có ai tìm tôi bao giờ. Ngoảnh đầu nhìn lại, tôi rất bất ngờ, rõ ràng là hai chị em Linh – Đan đang đứng ở lối cổng được chắn bởi hàng rào tre. Tôi cứ mừng mừng tủi tủi, vội tạt nước rửa xà bông đang dính đầy trên tay rồi chạy ra mở cổng. Tôi không nhận ra cái Diệu Linh, nó thay đổi nhiều dù vẫn rất xinh đẹp. Còn cái Di Đan, người nó gầy trơ và da dẻ xanh vàng trông thấy rõ. Nước mắt tôi chảy giàn dụa… Tôi vẫn ước, giá mình ngoan ngoãn, học hành đến nơi đến chốn, thì có phải bây giờ, chúng tôi vẫn là bộ ba cô gái như xưa, ‘đẹp người, đẹp cả nết’.
Hai chị em họ Đàm bước vào gian nhà của tôi. Quả thực, tôi rất ngại ngần. Vẫn là chiếc giường cũ, vẫn là bộ bàn ghế cũ…, hệt như nhiều năm về trước. Nhưng cái Linh chẳng tỏ thái độ như xưa, nó còn ân cần hỏi thăm cuộc sống của tôi thế nào? Tôi chỉ thì thầm mọi thứ cũng ổn cả. Cái Đan thì đẩy đưa chiếc võng ru con tôi ngủ, nó nhìn chằm chằm thằng bé và thi thoảng lại kêu lên, “Thằng bé đẹp quá. Vợ chồng mày nuôi con khéo thật đấy nha!”
Mặc kệ cái Linh kể chuyện về Sài Gòn, có nhà cao, có xe đẹp…, thì cái Đan chỉ loanh quanh bên chiếc võng – nơi con tôi đang nằm ngủ. Thấy vậy, Linh đùng đùng kéo Đan ra ngoài, “Mày làm gì thế? Để nguyên cho thằng bé ngủ. Mày mà cứ suy nghĩ linh tinh rồi nói sảng… thì…”, và tôi không còn nghe thấy Linh lẩm bẩm to nhỏ gì nữa khi cơn gió đông vừa thổi tạt ngang qua cánh đồng.
Tôi hỏi mon men, “Mày thích có trẻ con rồi hả Di Đan? Mày vào Sài Gòn học, thế đã ưng ý được anh nào chưa?”
Đan ậm ừ rồi lắc đầu, rồi lại gật đầu. Nó cứ trả lời quanh co, “Có. Mà không. Hừm. Tại thằng nhỏ dễ thương quá làm tao lại nhớ đứa bé trong đó?”
“Đứa bé trong đó?”, tôi hoảng hốt kêu lên, “Mày có đứa bé rồi á?”
“Không. Không phải thế.” Đan luống cuống xua tay.
“Con bé gần phòng trọ tao, cũng đang nuôi con thơ, mà con Đan thì hay qua lại bên đó ấy mà”, Linh chen lời.
“Ừ. Tao yêu đứa bé đó lắm. Nó đẹp cực”, Đan nói.
Tôi chưa kịp trả lời thì Linh lại hỏi sang chuyện khác, “Hay mày bảo chồng cho đi học lại. Học bổ túc rồi thi lên. Chứ ở nhà mãi thế này, còn con cái sau này phải làm sao?”
Câu nói của Linh làm tôi suy nghĩ mãi. Chúng tôi nói chuyện thêm một lúc thì hai chị em họ Đàm lên chợ huyện mua đồ Tết. Tôi cũng cho thằng bé ăn thêm bữa chiều rồi cùng chồng lên phiên chợ muộn. Nhìn hai đứa bạn bằng tuổi tôi, chúng nó xinh đẹp, có học hành, lại hiểu biết, được đi đó đây, tôi lại càng tủi thân hơn.
Buổi chiều hôm đó, trên sạp chỉ còn ít hoa quả nát, tôi và chồng chuẩn bị xếp đồ lên xe kéo để ra về. Đắn đó mãi, tôi hỏi chồng, “Anh này, hay ra Tết, anh cho em đi học bổ túc trên huyện. Rồi em học lên trung cấp. Biết đâu sau này, mình lại có đồng ra đồng vào, mà đỡ cực nắng mưa”.
Phản ứng của chồng tôi khi đó lạ lùng lắm. Anh ấy ậm ừ rồi cũng đồng ý. Tôi kể chuyện Diệu Linh và Di Đan sáng nay ghé nhà tôi chơi cho chồng nghe. Anh ấy chỉ hỏi lại, “Hai con bé xinh gái mà học giỏi có tiếng ở làng từ ngày xưa đấy hả?”
Buổi tối, tôi háo hức và mừng vui vì lời đề nghị của mình có vẻ như đã được chồng chấp nhận. Chồng tôi là một người nghèo trong làng, không rõ mẹ cha. Anh cưu mang tôi từ khi tôi mang thai ở tuổi mười sáu, và bị đuổi ra khỏi nhà. Tôi mang ơn anh, con trai tôi cũng mang ơn anh rất nhiều. Vì thế, tôi chẳng dám cãi lời chồng, một hai nhất quyết nghe theo.
Buổi tối đó, anh uống rượu nhiều hơn mọi khi, tôi gàn thế nào anh cũng bỏ mặc những lời đó ngoài tai. Chán nản, tôi bỏ vào gian buồng trong nằm ngủ với đứa bé. Nhưng chỉ được hơn một tiếng sau, chồng tôi đùng đùng đập cửa. Sợ đứa bé tỉnh giấc, tôi mải móng đáp chăn bông kín cổ cho con rồi đi ra gian ngoài. Và khi đó là cái tát đầu tiên sau bốn năm chung sống khi người đàn ông này mạnh tay táng vào mặt tôi…
Đau xé lòng..
“Con đàn bà đê tiện này. Còn chưa đủ nhục nhã hay sao mà giờ còn muốn lên huyện chơi bời nữa. Mày thì học được cái gì vào đầu cơ chứ? Quá khứ đó còn chưa đủ nhục nhã hay sao? Hả? Hả???”
Người đàn ông tưởng hiền lành, chất phác, vị tha và hết mực yêu thương tôi, đột nhiên trở lên hung dữ, nặng lời. Anh ta túm lấy mái tóc dài được gài lại phía sau, đập đầu tôi vào cột gỗ dùng để làm trụ chống nhà. Nước mắt tôi chảy xuống làm bờ môi xót đắng. Và tôi cảm nhận được vị máu tanh nồng vừa chạm vào đầu lưỡi mình… Tôi không thể để anh ta hành hạ thêm nữa. Tôi còn con trai. Tôi còn tương lai phía trước… Và tôi cương quyết cần phải phản ứng lại.
Dựa lưng vào cột gỗ làm lực, tôi đẩy mạnh anh ta ra. Bước chân loạng quạng cùng trời đêm đã khuya khiến anh ta ngã sấp xuống mặt nền đất. Tôi nghe tiếng anh ta lầm bầm chửi. Tôi nghe tiếng con trai mình khóc. Tôi nghe tiếng những con sâu bọ trong đêm kêu lên… Tôi chạy rất nhanh vào gian trong, choàng chiếc áo khoác lên người và bồng lấy thằng bé được quấn trong tấm chăn bông. Vừa loay hoay cạy cửa, tôi vừa dỗ dành con trai, nhưng tiếng khóc của thằng bé thì mỗi lúc một lớn hơn, còn anh ta – người thay đổi tính nết đột ngột vẫn không ngớt lời gọi, “Ở lại đi… Ở lại đi… Bảo Ngọc ơi? Anh xin lỗi… Ở lại đi… Ngọc?”
Sáng sớm ngày hai mươi tám Tết năm 2010, tôi và con trai bị đánh thức bởi một vị sư ở trong chùa khi mẹ con tôi đang ôm nhau ngồi co ro ở góc đa vắng. Được sự ân cần chăm sóc của vị sư già, tôi xin phép được ở lại chùa, và mong con trai sau này học được cái lễ nghĩa, đạo đức, sự phải phép ở đời. Vị sư già khi nghe tôi kể lại hoàn cảnh của mình rồi cũng đồng ý. Lúc đó, tôi đã không còn khóc mà chỉ gấp người cảm ơn rối rít. Nước mắt tôi – cạn – khô – rồi.
Sáng sớm ngày hai mươi chín Tết, tôi theo vị sư già lên chợ huyện mua nhang và hoa quả để chuẩn bị cúng lễ suốt ba ngày Tết. Mấy người dưới làng Hạ vừa nhìn thấy tôi, họ chạy nhanh lại và gọi tên tôi nghe thảm thiết, “Ngọc ơi. Mày về mày lo tang cho chồng mày đi. Xác nó chết nổi ở dưới con mương ngay kế bên nhà mày vào sáng ngày hôm qua rồi… Mày bỏ đi đâu mà mày để chồng mày chết như thế hả?”
Và tôi chẳng nhớ chuyện gì nữa cho đến sáng sớm mùng một Tết năm 2010, tôi và con trai đứng bên nấm mồ của chồng đã được đắp đất nham nhở, những nén hương nghi ngút khói, cùng đám tiền giấy đang cháy bùng lên.
Cuối tháng hai năm 2010, tôi gặp Diệu Linh và Di Đan đang kéo vali để bắt chuyến xe vào sân ga Nam Định. Chúng nó ôm tôi và ba đứa cứ thế khóc. Con trai của tôi, nó đã mặc áo chùa, tóc gọt thành ba trái đào tiên chạy đến bên Di Đan. Cái Đan bế bổng thẳng bé lên rồi xoay vòng vòng trên không. Hai cô cháu nó cười như lắc lẻ.

Tuổi hai mươi của tôi sẽ tìm sự yên bình bên mái đình cổ, cùng vị sư già, thằng nhóc con, lá đa, hương nhang…, và tiếng chuông chùa ngân vang, ngân vang mãi…

Đăng nhận xét

0 Nhận xét