Bà mẹ bỉm sữa (1)


Trích Phần 1: MANG THAI VÀ SINH EM BÉ 

“Tôi đã sẵn sàng làm mẹ!”

Kì thực, tôi cũng không hiểu vì sao vào thời gian đó, mình có thể thản nhiên và đầy dũng cảm tuyên bố “di ngôn” kia khi mình còn đang tận hưởng khoảng thời gian chỉ có vợ có chồng, chỉ biết đến công việc và công việc, nghĩa là dạo đó, tôi cũng chẳng nhàn rỗi dư dả thời gian gì đâu.

Tôi bắt gặp một người mẹ trẻ đang loay hoay với cậu con trai bé bỏng của mình giữa khu trung tâm mua sắm vào ngày cuối tuần. Sở dĩ, tôi chú ý đến họ, bởi bà mẹ đó khá trẻ, có lẽ bằng tuổi tôi, và thằng bé đó, nó dễ thương biết chừng nào.
Và chuyện gì đó đã xảy ra?
Thằng bé đang cười đùa bình thường, đột nhiên đứng khựng lại, nó nằm ềnh xuống sàn, khóc bù lu, và tay chân cùng múa loạn xạ trong không khí. Miệng nó tru tréo thứ ngôn từ trẻ con, ngọng ngịu, và đầy khó hiểu.
“Mẹ sẽ không cho con ăn kẹo nữa đâu!”
“Tôi đã sẵn sàng làm mẹ!”
Người mẹ trẻ dõng dạc tuyên bố, và tuyệt nhiên không có ý định nâng đỡ hay lôi kéo đứa trẻ đứng dậy giữa chốn đông người.
Đáp trả người mẹ trẻ là tiếng gào thét dữ dội hơn từ thằng bé.
Và khi đó không chỉ có mình tôi, còn nhiều người khác tò mò nữa cũng dừng chân và chứng kiến câu chuyện đó.
“Răng con sẽ hư hết.” Người mẹ trẻ tiếp tục phân bua. “Con sẽ không được ăn thêm một cái kẹo nào nữa, kể từ giờ đến tối.”
Đó gần như là một mệnh lệnh. Tôi nghĩ thế!
Người mẹ đó có quyền làm vậy. Dĩ nhiên, không chỉ là quyền của một người làm mẹ, mà mệnh lệnh đó còn là mang lại lợi ích cần thiết thực sự cho đứa trẻ.
Mọi người xung quanh tôi bắt đầu tản dần đi. Có lẽ với họ, việc dạy dỗ đứa trẻ như vậy không có gì cần bàn cãi và góp ý cả. Hoặc là, họ tò mò một câu chuyện thú vị hơn, gay cấn hơn. Và họ chối từ chứng kiến cuộc xung đột nho nhỏ của hai mẹ con mà hầu hết gia đình nào cũng xảy ra ít nhất vài trận trong một ngày.
Tôi vẫn đứng đó, chín mươi chín phần trăm vì tò mò, một phần trăm còn lại có lẽ ở giờ phút này, tôi giải thích với bản thân rằng, đó là bản năng muốn làm mẹ bắt đầu mon men nhú mầm dưới tầng đất sâu.
Nhưng suy cho cùng, khi đó, tôi vẫn chỉ là đứa trẻ đang lớn, đứa sinh viên đã ra trường, vừa mới kết hôn với anh kỹ sư đã có công ăn việc làm mà nhiều người mơ ước và đang chênh vênh trong cuộc kiếm tìm một công việc cho riêng bản thân, cần một khoản thu nhập ổn định hơn để bảo toàn cho cuộc chiến sinh tồn giữa thành phố Sài Gòn bận rộn.
Tôi đã mỉm cười, rồi cười phá lên, cười một cách khoái trí như đang xem phim hài. Tôi nhớ rõ rệt hình ảnh khi đó: thằng bé gào rú ăn vạ, nhưng tuyệt nhiên trên gương mặt trẻ thơ đó lại chẳng có giọt nước mắt nào chảy ra.
Thậm chí, trong một giây quên mất hình ảnh của mẹ, thằng bé còn cười hi hi để lộ hai hàm răng sún khi nhìn thấy tôi. Và khi nó nhận ra người mẹ trẻ đang quay lưng bỏ đi, nó nằm ềnh xuống đất, tiếp tục thét gào chỉ cầu mong nhận lại được sự chú ý.
Người mẹ trẻ rốt cuộc vẫn không đủ nhẫn tâm để bước tiếp. Tôi hiểu, cô ấy chỉ đang giả vờ phớt lờ thằng bé mà thôi.
Cho đến lúc này, trong tôi vẫn tồn tại suy nghĩ “Tôi chưa bao giờ sẵn sàng làm mẹ cả, là thật, là thật đấy. Làm ơn đi.”
Và người mẹ trẻ quay lưng lại, đi phăng phăng về phía thằng bé, kéo nó đứng dậy, và chìa một thỏi kẹo màu tím ra.
Thằng bé cười lắc lẻ, tọng luôn cây kẹo vào miệng, và khoái trá bước đi.
Đó là tuyên ngôn của tôi, ngay một giây sau đó.
Tôi không rõ cảm giác của bản thân khi ấy phải dùng từ ngữ nào để bộc bạch hết tâm tư, nhưng chắc chắn một điều, tôi đã tự tin vào tuyên ngôn theo bản năng, chứ không nhằm mục đích chế giễu và bỡn cợt người mẹ trẻ đó.
Cô ấy quay lại, ngơ ngác nhìn như thể tôi có vấn đề về tâm lý, thậm chí liệu có mắc chứng bệnh thần kinh? Sau đó, khóe miệng cong lên vẻ giễu cợt, “Chúc may mắn!”
Người mẹ trẻ đã dành cho tôi một lời chúc. Phải, may mắn cơ đấy!
Nhưng… tôi đã không may mắn chút nào…, kể từ sau “di ngôn hùng hồn” đó.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét