MỤ GHẺ - tiểu thuyết - chương 4

MỤ GHẺ - tiểu thuyết

Lời tựaMọi gia đình sung sướng đều giống nhau, nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại khổ sở theo cách riêng. (Lev Tolstoy)


Chương 4, Quảng Ninh, tháng 7 năm 1996

            Tan học, Du chạy nhanh về nhà thay vì lang thang ngoài bãi than đá và ngắm cảnh mặt trời lặn như mọi hôm. Tất cả là bởi thông tin từ một người chị học lớp trên nhắn lại cho cô trong giờ ra chơi, “Lúc đang ăn cơm, mẹ chị bảo, chiều nay nhà em làm cỗ to lắm. Bố em lấy vợ. Bà ấy sẽ là dì ghẻ của em đấy!”

            Du tròn mắt nhìn người chị hàng xóm. ‘Nhất định chị ấy nhầm lẫn’, Du lẩm bẩm trong những tiết học cuối cùng. Cô muốn bỏ học để về nhà ngay lúc đó nhưng không dám. Vì Du sợ viết bản kiểm điểm, sợ chép phạt, sợ bị giáo viên cho mời phụ huynh tới. Thế là Du cứ bứt rứt đứng ngồi không yên. Chẳng phải mới cách đây mấy buổi tối, bố Du chẳng hỏi Du thích có mẹ không mà? Nhưng Chúa trên cao, Du thích có mẹ, chứ Du không thích, không muốn, và càng không cần một dì ghẻ.
            Bọn trẻ đã tụ thành đám ở cuối phố chơi đủ mọi trò nghịch ngợm. Một đứa nhanh mắt thoáng thấy bóng Du, nó hò lên như người phát thông cáo: “Chính thức từ hôm nay, con Du đã có mẹ, tụi mày nhé!” – chữ ‘mẹ’, thằng bé cố tình kéo hơi rõ dài và cười sặc – “Đứa nào mà bảo nó là con hoang, tao thay mặt con Du đánh chết đứa đấy!”
            Rồi đám trẻ cười phá lên hưởng ứng. Một đứa khác nhanh miệng tiếp lời, “Chúng ta hát bài đồng dao chúc mừng con Du chứ nhỉ? Nào nào! Cô dâu chú rể, đội rế lên đầu,  hát lên nào…, hai, ba…”
            Tiếng trẻ lanh lảnh vang lên ngay sau đó. Một vài cụ già ngồi nhai trầu dưới gốc cây lớn, giọng khò khè rồi lại ho sù sụ, “Cái bọn mất dạy. Mất dạy quá đi thôi. Con Du, ra đây chơi với bà, kệ thây đám chúng nó.”
            Du lùi lại dù cô nghĩ mình đang có đồng minh, bởi một lẽ, tiếng cười giòn tan của lũ trẻ càng lúc càng khoái trá hơn. Lẩn qua đám người đang bận rộn căng dây treo tấm bạt tránh nắng – mưa, hay tết lá dừa trang trí ngoài cổng, Du chạy về khu vực bếp chỉ mong tìm được bác Miên và hỏi cho ra mọi chuyện.
            Tay bà Miên dính đầy bột gạo nếp để làm bánh trôi, Du cứ thế kéo tay bà đi cho bằng được. “Bác Miên ra đây đi. Bác đừng có nhào bột nặn bánh nữa. Du không thích ăn bánh này đâu. Không làm nữa, bác Miên ơi…”
            Mấy người lớn xung quanh dừng lại công việc cả. Họ nhìn Du, lắc đầu và có chút buồn bã.
            “Đi đâu mới được chứ, cái con bé này? Mày không thấy là bác đang bận việc à?” Bà Miên vẫn cố đổ thêm gáo nước vào thau bột đầy. Du lại càng kéo tay bà mạnh hơn. “Ô hay! Cái con bé này?”
            Du khóc toáng lên như đứa trẻ ăn vạ. Cô cầm gáo nhựa, múc đầy nước và đổ vào thau bột, nhão nhoét và bắn tung tóe cả ra ngoài. “Đấy! Cháu múc nước cho bác xong rồi. Giờ bác đứng lên đi. Cháu bảo cháu ghét bánh làm từ thứ bột này còn gì. Cháu muốn hỏi một chuyện khác cơ. Bác Miên không thương cháu nữa rồi.”
            Bà Miên buồn lòng, vỗ vỗ vai Du rồi cũng chịu đứng dậy. “Nín đi nào, có phải trẻ con nữa đâu mà khóc. Đi ra đây! Mày làm vướng chân mọi người quá. Lại còn làm hỏng cả thau bột nữa chứ!”
            Du nghiến răng ken két, toan muốn quay lại múc thêm gáo nước nữa dội vào thau bột nhưng cô đã bị bà Miên kéo nhanh vào trong  nhà. Bất ngờ, Du gặp bố khi ông đang chỉnh lại bộ vest màu xám tro và soi mình trong gương.
            Qua lớp kính gương, ông Hà  bối rối khi nhìn thấy Du với khuôn mặt lem nhem nước. Ông đã không nói việc này với Du vì nghĩ con bé chỉ là một đứa trẻ. Nhưng giờ đây bắt gặp đôi mắt đỏ ngầu với hai hàng nước mắt chảy tràn, lòng ông trùng hẳn xuống.
            Ông tới gần, chìa hai cánh tay về phía Du, “Chào con gái!”
            Du lắc đầu trong tiếng nấc. Những giọt nước mắt mới ứa ra. Cô bé lẩn mình ra sau cơ thể to béo của bà Miên. Tay Du bám lấy cánh tay bà, “Đi thôi, đi thôi, bác Miên ơi!”
            Hai người lớn cùng nhìn Du với nét mặt buồn rầu, họ lại quay sang nhìn nhau, chỉ còn biết lắc đầu trước thực cảnh.
            “Chị chăm sóc con bé giùm em nhé!” Ông Hà nói.
            “Được rồi. Chú cứ lo việc của mình đi”, bà Miên đáp lại rồi dắt Du về phòng riêng ở trên lầu. “Đi nào, Du!”
            Thay vì đưa ra thắc mắc như ý định ban đầu, Du chỉ ngồi ôm gối ngay bên mép giường, khóc và khóc.
            Bà Miên ngồi xuống bên cạnh, dang tay ôm lấy Du vào lòng mình. “Nín đi, cái con bé ngốc nghếch và đáng thương này. Nín đi, mày có thèm nghe những gì bác đang nói không hả?”
            Du ngẩng đầu nhìn bà Miên, tiếng khóc của cô bỗng im bặt như tờ.
            “Dì ghẻ của con đấy à? Tốt người tốt nết lắm!” Bà Miên an ủi Du, “Sẽ không có chuyện xảy ra giống như mẹ con nhà Cám đâu!”
            Rồi cũng bỗng nhiên, Du khóc òa lên như trời muốn trút cơn mưa lớn những ngày đầu hạ. Lần này, bà Miên chẳng dỗ dành Du nữa. Bà ôm Du, và khóc cùng Du.

{ { {
Khóa trái cửa phòng, Du ngồi đu đưa trên bệ cửa sổ. Vào tháng bảy, thời tiết ở tỉnh Quảng Ninh nóng rực dù trời đã về khuya. Những cơn gió nhỏ lẻ thi thoảng mới ghé qua, với lực đẩy nhẹ nhàng chỉ đủ tác động làm mấy tán lá bàng rung ring trong thoáng chốc.
Du cố gắng lắng nghe tiếng còi tàu hay đường ray rung lên ì ạch, nhưng không thể, tiếng loa đài, tiếng người dân trong khu phố hát ca ở dưới sân nhà càng nhắc nhở Du cần trở về với hiện thực. Thời gian đang được tính bằng giờ, và rồi ở ngôi nhà này sẽ có thêm một người phụ nữ và những đứa trẻ con mới.
            Du thổn thức, cô leo xuống sàn nhà, chốt chặt cửa sổ và quay lưng đi.
            Mở cửa sổ đối diện trong phòng, Du còn buồn lòng hơn cả khoảnh khắc trước. Phía bên kia con sông nhỏ chảy bao quanh ôm lấy khu phố chìm trong bóng đêm, là đốm sáng tụ lại tại một căn nhà với những dàn dân ca hay tiếng hát của thanh niên trai tráng. Bởi bên khu phố đó cũng có một đám tiệc cưới đang diễn ra, nơi mà niềm vui và hạnh phúc ấy đang dẫn đến hiện thực:  từ ngày mai, người phụ nữ kia sẽ qua sông và sống trong căn nhà Du đang đứng.
            Du khép cửa sổ. Cô đi đi lại lại trong phòng.
            “Dì ghẻ của con đấy à? Tốt người tốt nết lắm!” Bác Miên dặn Du thế. Vì vậy, Du phải tin, Du không được sợ.
            Nhưng khi cơn buồn ngủ kéo đến, trong tiềm thức, Du lẩm bẩm, “Mụ ghẻ! Mụ ghẻ!


Đăng nhận xét

0 Nhận xét