MỤ GHẺ - tiểu thuyết - chương 7.1

MỤ GHẺ - tiểu thuyết

Lời tựaMọi gia đình sung sướng đều giống nhau, nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại khổ sở theo cách riêng. (Lev Tolstoy)


Chương 7, Sài Gòn, tháng 05 năm 2012
          “Cảm ơn chị Du nhé!”, cô dâu cười vui vẻ, “Bữa nào thì chúng tôi có thể xem hình được nhỉ?”
          “Không có gì đâu. Tôi nhất định sẽ cố gắng.” Du lướt ngón tay trên màn hình điện thoại với mục lục về thời gian. “Xem nào, ừm, có lẽ anh chị thông cảm giùm Du nhé! Đang vào mùa chụp hình cưới nên khá bận. Trong vòng một tháng nữa, được chứ ạ? Bên chỗ Du sẽ điện thoại báo trước ngày tới xem hình cho anh chị.”

          Cô dâu nháy mắt, “Nhưng nhớ là phải đẹp.”
          “Tất nhiên rồi ạ!” Du cười tươi trong lúc đóng máy và thu dọn đồ đạc chuẩn bị ra về sau buổi chụp hình ngoài trời.
          Thanh quệt mồ hôi. “Hôm nay, mọi  người cũng vất vả cả rồi. Hay chúng ta cùng đi ăn tối chung rồi về.”
          “Không! Không!” Du xua tay, “Chị cáo bận hôm nay nhé! Anh xã nhà chị đã hoàn thành xong chuyến công tác vào chiều nay rồi!”
          “Ô! Có người bỏ bê bạn bè kìa.” Thanh cười giòn. “Vậy, chẳng còn ai dám bắt cóc chị Du nữa đâu.”
          Du nhoẻn miệng cười chào mọi người rồi lên xe máy về trước. Cô muốn tự tay vào bếp để chuẩn bị những món ăn ngon cho anh thay vì lời đề nghị sẽ cùng nhau ra nhà hàng như ngày hai người còn hẹn hò và chưa một lần mơ về mái ấm chung.
Kể từ sau ngày cưới, Viễn đã vội vàng đi công tác cùng đoàn cua công ty sang Thái Lan gần hai tuần. Du cũng nhận nhiều buổi chụp hình cưới ở các tỉnh vùng ven biển kéo dài từ hai đến ba ngày như dưới Vũng Tàu, Phan Thiết, hay lên Đà Lạt. Bữa cơm chung của họ chỉ là những lần điện thoại chúc nhau ngon miệng và kể lể cho nhau nghe những món ăn đang được bày sẵn ở trước mặt. Thậm chí, họ còn chưa có được một ngày trong tuần trăng mật đúng nghĩa nữa. Dù thoáng buồn, nhưng Du rất giỏi trong việc tự an ủi bản thân, rằng Viễn chăm chỉ làm việc là vì cô, vì GiGi, vì gia đình.
Bầu trời bắt đầu nhá nhem tối. Màn mây đỏ ối của buổi chiều hoàng hôn dần tan loãng và mất hẳn ở phía tây thành phố để nhường chỗ cho mây đen.
Bên kia phía cổng trường, Du nóng ruột nhưng vẫn kiên nhẫn đứng chờ bé Giang dưới hàng phượng nở rộ hoa nhuộm thành một thảm đỏ kéo dài trên phố. Du tự nhủ, có lẽ bé Giang phải tăng giờ học thêm vì kì thi cuối học kì chỉ còn ít hôm nữa. Nhưng khi kim đồng hồ điểm hai mươi giờ, cùng lúc, cổng trường được khóa lại sau khoảng sân vắng bóng người và những dãy nhà tối om chìm len lỏi trong những rặng cây lớn, Du nhận ra mình đúng là một con – lừa – thiếu – may – mắn.
Vội vã, Du lên xe trở về nhà. Du chắc mẩm, chuyến bay của Viễn đã có thông báo trễ khoảng hai giờ so với dự kiến nên cô sẽ đủ thời gian để vào bếp chuẩn bị vài món ăn đơn giản. Và Du cũng không chắc, mình có nên nổi giận với bé Giang hay không?
{ { {
          Thức ăn nhẹ, vỏ bánh kẹo bày la liệt trên bàn và ghế sô pha. Giang thoải mái trong bộ áo quần ở nhà và nhìn chăm chăm tới màn hình tivi được gắn trên tường.
          Du không nghĩ mình sẽ đủ kiên nhẫn hơn nữa khi cô đã đứng ở trước cửa phòng khách gần năm phút, uể oải nhìn bộ dàng trông đến vô tội của Giang, nhưng có một điều chắc chắn con bé cũng sẽ chẳng buồn quan tâm đến sự tồn tại của Du dù cho cô có đứng đến cả tiếng đồng hồ sau đó.
          Du cố tình để đôi giày vào kệ gỗ ở sau cánh cửa thật mạnh. Nhưng đáp trả cô chỉ là tiếng thở dài và cái trở mình uể oải trên ghế sô pha từ Giang, tiếp đó là âm thanh từ tivi được mở với âm lượng lớn, lớn, và lớn hơn nữa.
          Du choáng váng.
          Đây không phải ngày đầu tiên họ ở nhà cùng nhau, nhưng đúng là lần đầu tiên cùng chạm trán vào thời gian sớm sửa thế này – dù đã gần hai mươi giờ ba mươi phút.
          Lấy điều khiển từ tay Giang, Du cố tiết chế cảm xúc của mình và chắc rằng  bản thân đã không hề lớn tiếng, “Dì đã đợi con gần ba giờ đồng hồ ở cổng trường. GiGi?”
          “Vâng”, Giang trả lời một cách lười biếng, “Dì về sớm nhỉ?”
          Du nhắc lại, “GiGi à?” Và Du muốn khóc.
          “Con không phải là GiGi để dì có thể tùy tiện gọi như thế!” Vẫn bằng giọng điều thờ ơ, Giang đáp trả. Cô nhoài người về phía Du chỉ để dành lại chiếc điều khiển tivi, “Và dì đã đợi gần ba giờ đồng hồ thì sao? Đấy đâu phải lỗi của con?”
          “Sao cơ?” Cơn nóng giận như muốn bốc hỏa lên đầu mà Du vẫn phải kiềm chế. “Con điện thoại và muốn dì đến đón con sau giờ tan học còn gì? GiGi?”
          “Đúng vậy. Nhưng làm ơn, dì đừng có mở miệng ra là GiGi, GiGi à nữa!” Quăng chiếc điều khiển lên bàn, Giang vịn tay vào thành ghế để đứng dậy. Đối diện với Du, nét mặt Giang hồn nhiên như thể việc sai giờ giấc vào các cuộc hẹn đối với cô cũng chẳng có nghĩa lý gì. “Con muốn dì đến đón con sau giờ tan học, phải không? Nhưng lỗi là ở cô giáo bộ môn Toán, cô có việc bận đột xuất nên nghỉ dạy và con phải được về sớm từ lúc ba giờ chiều.”
          Dứt lời, Giang ngoảnh mặt đi. Với cái điệu bộ uể oải đến thờ ơ, Giang lê dép loẹt quẹt xuống nền nhà.
          Dứt khoát, Du với tay túm lấy cánh tay Giang. “Vậy ít nhất, con cũng phải điện thoại báo dì một tiếng chứ?”
          Giang ngoảnh đầu lại. Ánh mắt cô di chuyển đến nơi đụng chạm đầu tiên của hai người. Lạnh. Lạnh. Và từ từ nhìn lên khuôn mặt đỏ ửng của Du. “Nhưng lần này cũng không phải lỗi của con luôn.” Giang tỏ ra áy náy. “Cái di động chết tiệt ấy thật biết hết pin vào đúng thời điểm.”
          Sững sờ đến bất động, Du chỉ muốn khóc.  Nhưng không thể được, con bé đang cố tình ‘chơi’ Du mà.
          “Và giờ thì buông tay ra khỏi người con”, giọng Giang sít lại, “Thưa dì, đừng cố ý để lại gần con như thế nữa. Đây là lần đầu tiên, và cũng là lần cuối cùng.”
          Du buông tay. Giang nhún vai và bỏ đi ngay sau đó.
          Du thở dài nhìn ‘bãi rác giữa phòng khách’ mà Giang cố tình bày ra. Vừa lúc, tiếng chuông đồng hồ điểm hai mươi mốt giờ khiến cô quên hết sự bức bối ban nãy. Du còn nhiều việc phải làm: nấu ăn, lau nhà, thu gom quần áo…, và cả việc ‘trả đòn’ tính hỗn xược của GiGi nữa.
          Du đi thẳng về phòng bếp. Và lại là mùi mì tôm bay luẩn quẩn trong không khí.
          “Con đừng ăn mì tôm nữa. Ba Viễn gần về đến nhà rồi. Chúng ta sẽ cùng nhau ăn tối nhé!” Du vừa nói vừa lấy gạo trong thùng nhựa. Cô làm việc nhanh thoăn thoắt.
          Và không có câu trả lời nào đáp trả Du ngoài tiếng húp nước mì tôm sì sụp từ Giang. “Ôi! No bụng quá! Đúng là ăn một mình nó sướng nó thoải mái gì đâu. No quá đi mất thôi!”
          Du nhún vai. Du còn khối việc phải làm thay vì ‘chơi chữ’ cùng con bé cứng đầu cứng cổ này. Nghĩ là làm, Du học cách phớt lờ Giang như cái cách con  bé thờ ơ không coi lời nói của cô có chút trọng lượng nào.
Nhưng bầu không gian im ắng đến căng thẳng lại không kéo dài quá năm phút. Giang chủ động lại gần kệ bếp, ngó nghiêng túi thực phẩm Du đã mua. Đắn đo ít giây, Giang chủ động đề nghị, “Dì Du? Dì đừng giận con chuyện lúc chiều nữa nha. Con sẽ phụ dì làm bếp, được không?” Lấy mớ rau từ trong túi, Giang đẩy về phía Du. “Dì nhặt rau nhé!” Kéo túi cá đưa lên trước mặt, Giang chun mũi đẩy ra xa một chút, rồi mắt cô bé lại sáng lên. “Ba Viễn rất thích ăn món cá chiên chấm với nước mắm và xoài xanh, mà con thì lại là vua đầu bếp của món này.”
Hồi ức năm xưa như tảng đá vừa giáng xuống đầu Du. Một cách ngớ ngẩn, cô đặt câu hỏi cho chính mình, “Nhà mình có nuôi mèo không nhỉ? Hay xung quanh đây, có nhà hàng xóm nào có mèo không?”
Giang cười hớn hở trong lúc rửa sạch con cá trong chậu nhựa đã được xối đầy nước. “Dì Du vừa nói gì cơ ạ?”
“Không có gì đâu.” Du lúng túng. “Mình làm món cá nấu canh chua, không được sao, GiGi?”
Lần nữa, cô bé hoàn toàn không có phản ứng khó chịu khi Du gọi cái tên thân mật – GiGi. Giang chỉ cười, “Nhưng ba Viễn thích cá chiên, và đây có lẽ là việc duy nhất con có thể phụ dì.”
Du không tìm thấy sự ác ý trong lời nói hay biểu cảm ‘lừa phỉnh’ trên khuôn mặt Giang. Du mỉm cười dù trong lòng có đôi chút bất an đến khó tả khi hồi ức cứ thảng lảng lùa về.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét