MỤ GHẺ - tiểu thuyết - chương 2

MỤ GHẺ - Tiểu thuyết


Lời tựaMọi gia đình sung sướng đều giống nhau, nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại khổ sở theo cách riêng. (Lev Tolstoy)


Chương 2 – Quảng Ninh, tháng 07 năm 1996
            “Lêu lêu! Lêu lêu!” Đám trẻ hò hét rộn rã cả một góc phố khi trời vừa sẩm tối. “Tránh ra, tránh ra, không đứa nào chịu chơi chung nhóm với cái đứa bị mẹ bỏ rơi đâu.”

            Mặt Du tối lại vì giận dữ. Hai bầu má đỏ gằn lên. Du không nói gì, quay lưng và chạy thật nhanh trên con đường rẽ sang đường ray tàu chở than đá.
            Bọn trẻ lại càng cười khoái trá hơn.
            Ở tuổi lên mười, thay vì chơi chung với đám trẻ cùng tuổi trong khu phố, Du lại muốn làm bạn với đám anh chị cuối cấp hai hoặc tới ngưỡng cửa là sinh viên. Chỉ bởi, họ gọi cô bé là ‘Du ơi!’, thay vì ‘cái đứa bị mẹ bỏ rơi’.
            Là thế đấy!
            Phía xa xa, vầng dương màu đỏ ối chậm chạp lẩn mình xuống vách núi. Thành phố của than đá ngập mù bụi bẩn vẩn lẫn vào bầu không khí. Tàu chở hàng chạy ì ạch trên đường ray – một màu đen trải dài như con trăn khổng lồ đang ra sức trườn mình về tổ trước khi trời tối muộn.
Những giọt long lanh nước ngập tràn trong vành mi. Du trực trào muốn khóc. Ngồi bó gối trong một góc khuất của bụi cây, Du ngắm nghía khung cảnh quê hương mình với nỗi đau mơ hồ mà ở tuổi lên mười cô bé vẫn chưa hiểu thấu, ngoài nỗi xấu hổ đến hết mực trẻ con do đám trẻ trong phố gây ra. Du nghĩ, mình thật bất hạnh.
Du có một vài tấm hình của mẹ từ khi cô còn nhỏ xíu cho đến lúc chưa tròn một tuổi. Bố Du bảo mẹ Du đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài nên sẽ sớm trở về thôi. Bác gái Du cũng nói thế, an ủi Du như thế khi cô khóc hay mè nheo về những lời đàm tếu của đám trẻ. Nhưng nhiều người lớn trong khu phố lại nói không khác đi, họ bảo mẹ Du sẽ không bao giờ về nữa, mẹ Du đã đi xa – rất – xa rồi…
Cứ nghĩ đến đây, Du lại khóc thét. Tiếng kêu khóc của Du lạc vào tiếng còi tàu kêu inh ỏi, lạc vào tiếng bánh xe tàu chạy xình xịch trên đường ray.
Và thế, cả thế giới chẳng ai hay ở một góc thị trấn nhỏ có cô bé mười tuổi đang ai oán khóc…
Và thế, Du quen với cảnh một mình ngồi chờ trăng lên đến đỉnh và đếm những vì sao rơi…
Du thích được thế. Du muốn một mình. Du tin lời bố và bác gái… Nhưng Du vẫn cố gào khóc to hơn.
{ { {
“Y hệt như con bé lọ lem”, bà Miên – bác gái của Du – vừa làu bàu vừa kéo Du đứng dậy. Tay bà đập bốp bốp vào lưng, vào mông, vào hai cánh tay Du, mà theo ý bà là đang xua đuổi bụi bặm của than đá dính vào áo quần Du. “Bố mày sắp về rồi đấy. Lại sắp có kẹo bánh mà ăn nữa nha.”
Du không biết bố thường đi đâu và làm gì vào mỗi tối. Du chỉ nắm rõ thời gian biểu của mình là sang nhà bà Miên, học bài cùng anh con bác, hoặc ngồi trông coi quán cóc bán đồ ăn hải sản cho đám công nhân ăn uống tối khuya. Chừng hơn hai mươi hai giờ, bố Du về, mặt mày ông vui vẻ và cho Du cả đầy túi áo với bánh kẹo đủ loại. Du vui. Du hớn hở.
Đêm nay cũng thế, ông Hà cõng Du trên vai và cảm ơn bà Miên rồi đi tắt qua đường ray tàu để rẽ sang bên kia khu phố. Căn nhà lô rộng rãi, đủ đầy tiện nghi nằm chìm sau tán cây bàng già ở phía cuối con phố nhỏ.
“Du này? Du thích có mẹ không?” Ông Hà đung đưa Du trên vai, giọng ông đầy cân nhắc.
“Tất nhiên là thích”, Du hớn hở trả lời mặc cho miệng đang nhai đầy kẹo ngọt. Du nhớ đến hình ảnh trắng đen, mờ mờ của một người phụ nữ mà ông Hà nói bà chính là mẹ Du. “Con sẽ dắt mẹ ra đầu phố, cả đám chúng nó sẽ phải ngơ ngác và trầm trồ.”
Bất giác, ông Hà thở dài.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét