MỤ GHẺ - tiểu thuyết - chương 10.2

Lời tựaMọi gia đình sung sướng đều giống nhau, nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại khổ sở theo cách riêng. (Lev Tolstoy)

Chín giờ, trống trường điểm đến giờ ra chơi giữa buổi mười năm phút. Du uể oải trả sách và đưa thẻ thư viện để cô văn thư ghi ngày-giờ-mã sách sẽ mượn.
Rời khỏi căn phòng ấm áp, Du trở ra để về lớp cho tiết học tiếp theo. Nhưng khi vừa xuống đến cầu thang, hình bóng Thành ngồi ở ghế đá chờ đợi cùng hai bàn tay đưa lên miệng liên tục hà hít hơi ấm khiến Du chột dạ.

Lững thững lại gần, Du không còn dám to tiếng nữa, “Lạnh không?” Và cô dúi chiếc khăn len quàng cổ của mình vào tay cậu.
Thành gắt lên, “Ở trong WC cũng có sách đấy à?” Cậu vứt trả lại chiếc khăn và giật mạnh cuốn sách Toán học từ tay Du, không cần biết phải cư xử nhẹ nhàng với con gái, cả cuốn sách dày cộm bị Thành nện mạnh vào cánh tay Du. “Du là kẻ lừa đảo.”
Du kêu lên vì đau. Cô cố nói thêm trong lúc Thành bỏ đi. “Ai nói, cậu thật thà đến mức dở hơi làm gì.”
Được vài bước, Thanh chạy vội lại, giật mạnh lấy chiếc khăn len. Lần  này, Du chỉ biết ú ớ nhìn theo.
“Cậu vừa đưa cho tớ còn gì nữa.” Thành kêu lên, “Muốn lấy lại thì tới gần với tớ đi.”
Và cậu chạy nhanh, hòa vào đám học sinh đang nghỉ giải lao ở giữa sân trường.
{ { {
“Du đã viết được chữ gì chưa?” Thành lấy chiếc bút chỉ trỏ sau lưng Du. “Nhưng tại sao giáo viên lại yêu cậu làm lại trong khi đó đề tài vẫn là ‘viết về người mẹ’ nhỉ?”
“Làm sao mà tớ biết được?” Du gắt gỏng, “Cậu không lo làm bài đi, ở đó mà nhiều lời nữa.”
Vào đầu giờ học của buổi chiều, giáo viên môn Văn đã yêu cầu cả hai xuống văn phòng làm lại bài kiểm tra và cũng là tạo cơ hội cho học sinh đê lấy lại điểm bốn mươi năm phút.
Du đi một cách miễn cưỡng, nửa không muốn bất kể thứ gì liên quan đến từ ‘mẹ’, nửa không muốn học kì này sẽ bị xuống hạng bậc dù cô vẫn biết mình nằm trong danh sách tốp năm người có học lực giỏi nhất lớp.
Và Du đã ngồi cắn bút suốt hơn nửa tiếng đồng hồ.
“Du làm xong rồi thì đưa đây cho tớ chép.” Thành cố gắng lấy bài kiểm tra mà hai cánh tay Du khoanh tròn lại và cố giấu nhẹm đi.
Du phân trần, “Chép cái gì mà chép. Mẹ Du có giống mẹ Thành đâu?”
“Đã là mẹ kế thì bà nào chẳng giống bà nào,” Thành hỏi lại, “Chẳng lẽ không phải? Cùng dữ dằn, cùng ghét con riêng của chồng, cùng ác ý.”
Bà Hạnh có giống như những gì Thành đang nói không? Du cũng chẳng buồn nghĩ ngợi. Du ghét bà Hạnh dù bà có hiền lành và tốt bụng như cô tiên.
Vì ai bảo Chúa trời đã định sẵn số phận của bà chỉ là một mụ ghẻ!
“Mẹ kế của Thành giống…, giống những gì Thành vừa nói ư?” Du dè dặt hỏi lại.
Thành nhăn mặt, “Y chang luôn. Tớ chẳng vu khống làm gì. Lại còn được ông bố đi làm xa, cả tháng mới về nhà một lần. Buồn muốn chết.”
Đột nhiên, Du muốn đi xa, xa ở cái nơi mà một năm, hai năm, hoặc nhiều năm sau đó cũng có thể không trở lại căn nhà lớn có tán lá bàng rộng che rợp cả một góc phố. “Bố Thành làm xa, nhưng xa là ở đâu?”
“Ở Hà Nội,” Thành nói, “Thực ra cũng chẳng xa lắm, chỉ có điều bố làm việc trong cơ quan nhà nước nên không xin nghỉ tự do được.”
Du không biết Hà Nội là ở đâu. Nhưng Du biết Hà Nội có Bác Hồ. Nhất định khi trở về lớp, Du sẽ tìm quyển sách giáo khoa Địa lý và tìm kiếm địa điểm đó.
Đột nhiên, tiếng trống trường giục giã báo hiệu đã đến giờ ra chơi. Cả Thành và Du nhìn nhau không chớp mắt, “Hết giờ rồi ư?”
Du nhìn tờ giấy trắng trước mặt. Thành cũng không hơn gì cô ngoài cái tựa đề và sau hai chữ ‘bài làm’ vẫn là những khoảng trống rỗng.
“Du đưa quyển sách tập làm văn mẫu cho tớ.” Thành kéo chiếc cặp của Du ra khỏi hộc bàn và lục lọi. Sau khi tra mục lục, cậu cũng tìm được một bài văn vừa khớp tiêu đề, vừa ngắn gọn, Thành cắm đầu xuống bài kiểm tra, nhanh tay chép lấy chép để. “Còn ngồi ra đấy nữa, Du? Lại muốn điểm O à?” Thành vẫn không ngẩng đầu lên, cậu nói.
Du không muốn điểm O chút nào. Nhưng “Như Thành từng nói, nếu không có mẹ mà cũng nộp bài kiểm tra với hai mặt giấy đầy kín chữ, chẳng phải Thành cũng sẽ là người không trung thực hay sao? Và bài văn cậu đang chép là bà mẹ của một người lạ mặt, không quen biết đấy!”
Thành quắc mắt nhìn Du. Ấn tượng đầu tiên giữa mối quan hệ của họ chẳng phải là Thành đã cáo buộc Du là người giả dối, không trung thực?  Và giờ, Du dùng lại những từ ngữ đó để vặn vẹo và mỉa mai cậu?
Mạnh tay, Thành quăng trả quyển sách tập làm văn mẫu lại cho Du và vo tròn bài kiểm tra đang chép dở của mình, ném mạnh vào sọt rác ở cuối phòng.
Qua ô cửa sổ, cả hai cùng nhận ra giáo viên môn Văn đang gần tới.
Du viết vội, “Mẹ là mẹ, mẹ kế là dì ghẻ. Em không có mẹ, thưa cô. Em thực sự xin lỗi vì đã không hoàn thành bài kiểm tra mà cô mong muốn.”
“Người phụ nữ trong gia đình em là mẹ kế.” Thành viết nhanh lên một tờ giấy mới ở trước mặt. “Mẹ kế của em giống hệt mẹ Cám. Mà em thiết nghĩ, mình không cần phải miêu tả mẹ Cám như thế nào nữa trên bài kiểm tra này.”
{ { {

Đăng nhận xét

0 Nhận xét